Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Cục Thủy lợi ngày 26/6
cho biết, thời điểm cao nhất tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 48.960ha diện tích
sản xuất nông nghiệp bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó 1.140ha bị thiệt hại và khoảng 78.560 hộ bị thiếu nước
sinh hoạt.
Ngay từ đầu năm, Cục Thủy lợi đã tham mưu Bộ ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán,
thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024 (Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/1/2024),
chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, như: Tổ chức theo dõi tình hình khí tượng thủy văn,
nguồn nước, phối hợp với các đơn vị sự nghiệp của Bộ tổ chức dự báo, nhận định tình hình nguồn nước trong công trình thủy lợi,
hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; cung cấp thông tin, cảnh báo bằng các bản tin trước vụ sản xuất/tháng/tuần và đột xuất cho
các địa phương và cơ quan liên quan. Khuyến cáo các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp tình hình nguồn nước
nhằm phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tháng 4 và tháng 5/2024 đã ghi nhận những kỷ lục mới về công suất
cũng như sản lượng tiêu thụ điện. Cụ thể là cuối tháng 4 vừa qua đã ghi nhận công suất đỉnh của toàn hệ thống đạt mức 47.670MW,
cao nhất trong lịch sử. Ngày 28/5/2024, lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ
kWh, chính xác là 1,0019 tỷ kWh.
Theo ghi nhận của các đơn vị điện lực, dù thời tiết tại khu vực miền Bắc trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, oi bức nhưng việc
truyền tải và cung ứng điện vẫn diễn ra ổn định, đảm bảo, không xảy ra sự cố lớn nào về điện hay thiếu điện phải cắt điện
luân phiên.
Có được kết quả đó, một phần nhờ vào sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Thủy lợi và ngành Điện trong việc điều tiết bơm,
xả nước trong thời gian vừa qua.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng ban đầu (tháng 9/2023), tổng cộng có khoảng 56.260ha
lúa vụ Đông Xuân và 43.300ha cây ăn trái, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ
ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã đẩy sớm
thời vụ, bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn. Đối với các diện tích lúa bị ảnh hưởng
(khoảng 1.230ha) chủ yếu do người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn.
Việc điều hành các đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã được Cục Thủy lợi phối hợp
với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện
linh hoạt, tiết kiệm. Kết quả là qua vụ Đông Xuân 2023 - 2024, các hồ chứa thủy điện đã tiến hành xả nước thành 2 đợt (12 ngày)
với tổng lượng xả 2,78 tỷ m3, thấp hơn khoảng 0,72 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến và thấp hơn so với những năm trước
từ 0,4 đến 1,64 tỷ m3 nước. Qua đó, cả nước đã gieo trồng được khoảng hơn 2,9 triệu ha lúa, trong đó, diện tích thuộc vùng tưới
từ công trình thủy lợi là hơn 2,87 triệu ha (đạt 97,2%).
Trước những nhận định tình hình nguồn nước, dự báo vụ Hè Thu năm 2024 tại khu vực Trung Bộ có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán,
thiếu nước, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 15.400 - 21.500ha (Bắc Trung Bộ 6.000 - 8.500 ha, Nam Trung Bộ 9.400 - 13.000ha).
Cục Thủy lợi đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản tăng cường các giải pháp
ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về
việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; gửi Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Trung Bộ về việc tổ chức sản xuất vụ Hè Thu, vụ mùa
2024 phù hợp với tình hình nguồn nước; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô
năm 2023 - 2024 và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh... để
kịp thời ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ mùa, vụ Hè Thu 2024 do ảnh hưởng của ElNino.