Nguyên nhân khiến cho nhiều người dân ở nông thôn từ chối sử dụng nước sạch chính là bởi lượng nước dồi dào từ khe suối, từ giếng khoan, giếng khơi, và nước mưa… khiến cho nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn có đa dạng sự lựa chọn về nguồn nước, nên nước sạch "có cũng được, không có cũng chẳng sao". Và lý do quan trọng nhất khiến cho nước sạch trở nên kém được ưu tiên ở nông thôn là do vấn đề về chi phí. Tất cả nguồn nước tự có thì đều miễn phí nên người dân sẽ tiết kiệm được tiền. Còn nước sạch từ nhà máy thì đương nhiên phải mất tiền nên nhiều người gần như hạn chế, có hộ còn từ chối sử dụng nước sạch. Điều này khiến cho không ít công trình cấp nước đã phải bỏ hoang do nhu cầu sử dụng của người dân quá ít.
Sử dụng những nguồn nước tự nhiên vì nghĩ nó đã đủ sạch nhưng thực tế lại không thiếu thực trạng các nguồn nước tự có của người dân đã bị ô nhiễm.
Việc các nguồn nước tự có ngày càng trở nên ô nhiễm cũng là nguyên nhân chính khiến người dân thay vì quay lưng thì nay lại chấp nhận sử dụng nước sạch, tóm lại họ mong có nước thực sự sạch để dùng. Thế nhưng trớ trêu thay, ở nhiều địa phương trên cả nước, nước sạch lại cũng không sạch. Và nếu nước sạch lại không sạch thì rõ ràng là việc tuyên truyền, thuyết phục người dân sử dụng nguồn nước này lại trở nên khó khả thi.
Trong nhiệm vụ tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của bản thân thì điều quan trọng nhất vẫn phải nằm ở chất lượng nguồn nước. Việc nước sạch bị nhiễm bẩn đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở các địa phương hiện nay còn tồn tại không ít công trình cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả, thậm chí xây dựng dở dang rồi bỏ không, dừng hoạt động. Trong khi tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn vẫn còn thấp.
Một số bất cập trong công tác quản lý khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn có thể kể đến: Đó là các công trình xây dựng lâu từ 20 đến 30 năm, đến nay đã xuống cấp, dây chuyền công nghệ xử lý nước lạc hậu. Nguồn nước thô bị ô nhiễm, dẫn đến chi phí xử lý nước tăng cao. Tỷ lệ thất thoát nước lớn, trong khi giá nước còn thấp khiến nhiều đơn vị kinh doanh không có lãi và không đủ chi phí để duy tu sửa chữa hay cải tạo để duy trì hoạt động.
Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Và để hoàn thành mục tiêu phủ sóng nước sạch đến toàn dân, thì rất cần có sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng, và đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch. Nếu có sự chung tay của tất cả mọi người thì chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.